Bộ Tài nguyên và môi trường vừa báo lên thủ tướng chính phủ về tình hình lượng phế liệu khổng lồ nhập khẩu tồn đọng. Hơn 15 nghìn chiếc container chở phế liệu đang bị lưu tại các cảng là con số đáng nói đã được báo cáo. Với diễn biến này, buộc lòng các cơ quan chức năng phải nhanh chóng thực hiện các chỉ thị, xử lý giải phóng để cải thiện môi trường, mặt bằng tại các cảng.
Gần 60% cơ sở nhập khẩu phế liệu “chui”
Không có giấy phép nhập khẩu hợp pháp nhưng khi bị bắt lưu kho thì những doanh nghiệp này lại đổ tại, cho rằng vì các điều luật cấm và hạn chế danh mục nhập khẩu phế liệu đưa ra không báo trước khiến họ bị thụ động trong khâu chấp hành. Hiện nay có khoảng 15.400 container phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định nên bị lưu lại ở các cảng. Theo kiểm tra thực tế, đến ngày 6 tháng 9 vừa qua đã có đến 25.400 tấn xỉ hạt lò cao đang lưu tại kho doanh nghiệp ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Bộ Tài nguyên và môi trường thành lập 7 đoàn công tác, phối hợp với các đơn vị chức năng để tiến hành thống kê các lô hàng nhập khẩu. Kết quả cho thấy tại cảng Hải Phòng có hơn 6.000 container, đây là con số lớn nhất bị lưu kho trên cả nước. Tiếp đến là cảng Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 4.600 container, tp Hồ Chí Minh 3.000 container, Bình Dương hơn 1.500 container. Các phế liệu chủ yếu là nhựa, sắt, thép, kim loại màu, nhôm, giấy.
Sau cuộc họp chính phủ vào ngày 25 tháng 7, nhiều tổ chức đã bỏ hàng tại cảng chứ không đến nhận và làm thủ tục thông quan. Do đó số lượng container phế liệu nhập khẩu tồn đọng quá 90 ngày đã tăng lên. Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng thời gian trước những số liệu báo cáo tồn đọng chưa chính xác do không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc chia sẻ thông tin.
Theo thống kê của Bộ, tổng hợp danh sách khai đứng tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thì có tổng 274 tổ chức đứng tên. Trong đó 116 tổ chức có giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, còn lại là những tổ chức vi phạm quy định này, chiếm đến 58%. Qua đó, nhận định thực tế và theo quy định pháp luật thì không có lô hàng nào không có tên người nhận mà chỉ là sau 90 ngày không có người đến nhận nên được gọi là phế liệu nhập khẩu “vô chủ”.
Căn cứ theo đó mà những lô hàng nhập khẩu này sẽ được xử lý theo quy định về hải quan và thương mại. Bộ Tài nguyên và môi trường giải thích thêm: “Việc xử lý các container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng chỉ được thực hiện sau năm tháng, kể từ ngày phế liệu nhập khẩu đến cảng”. Đơn vị này cũng cho biết nguyên nhân tồn đọng hàng là do các đơn vị giả mạo xác nhận, dùng giấy của đơn vị khác hoặc đăng ký địa chỉ ma.
Xử lý dứt điểm tình trạng tồn hàng phế liệu nhập khẩu tại cảng
Hiện nay có nhiều công ty thu mua phế liệu lợi dụng sơ hở trong quy định tạm nhập, tái xuất phế liệu sang nước thứ ba để giả mạo hồ sơ và bán cho tổ chức trong nước sử dụng đã bị phát hiện. Đặc biệt các doanh nghiệp có container phế liệu bị bắt lưu kho lại không đến đóng phạt để nhận hàng. Họ cho rằng phí lưu kho cao nên không dám đến nhận về. Mặc khác các tổ chức này không phục với nguyên nhân quy định đưa ra quá đột ngột.
Tuy nhiên nếu những doanh nghiệp này không để hàng lưu kho quá hạn thì đâu đến nỗi kêu ca vì tiền phạt lưu kho cao! Đây cũng là một bài học cho các cơ quan quản lý về việc siết chặt quy định về phòng ngừa và ngăn chặn từ xa các trường hợp nhập khẩu trái phép. Có thể thấy việc mua bán, vận chuyển phế liệu về Việt Nam quá dễ dàng và tràn lan gây nên tình trạng ồ ạt khó kiểm soát.
Để xử lý dứt điểm các lô hàng tồn đọng này, đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị đối chiếu danh sách, phân loại phế liệu khai báo. Bên cạnh đó cũng tiến hành xác minh làm rõ các trường hợp vi phạm để xử nghiêm. Còn đối với những lô hàng có chủ nhân thực hiện đúng quy định về quy chuẩn môi trường, có giấy xác nhận chính đáng thì cần được giải phóng, làm thủ tục thông quan để họ được tiếp tục hoạt động công nghiệp cho kịp tiến độ.
Trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường sẽ xử lý theo nghị định số 155/2016, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy theo quy định về quản lý chất thải. Và dĩ nhiên chi phí này sẽ do cơ quan vi phạm thanh toán theo quy định của pháp luật hiện hành. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có giấy phép được xem như buôn lậu phế liệu nhập khẩu. Theo đó họ phải khẩn trương đến nhận lô hàng và đóng phạt theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân đứng tên trong khai báo không phải chủ hàng thì phải yêu cầu tổ chức, cá nhân được ủy quyền và chủ hàng ủy quyền khai báo, xuất trình các văn bản ủy quyền hợp pháp