Chúng ta đã chứng kiến hàng loạt sự ra đời của rất nhiều smartphone “tràn viền” cuối 2017 đầu 2018. Tuy nhiên nếu bạn để ý thì chưa có chiếc điện thoại nào có thể làm được viền màn hình phía dưới mỏng như 3 viền còn lại giống như iPhone X. Tại sao như vậy?
Xiaomi Mi Mix hay Galaxy S8 đều là những thiết bị tiên phong trong xu hướng thiết kế màn hình tràn viền ấn tượng, bởi nó xuất hiện trước khi Apple ra mắt iPhone X. 2 thiết bị này đều có những xu hướng thiết kế khác nhau, máy thì có cạnh trên dưới cân xứng, máy thì màn hình “ăn” hết phần trên, chỉ chừa lại một chút cho camera trước đặt ở phía cạnh dưới. Trong khi đó, iPhone X ra đời đã gây sửng sốt làng công nghệ với màn hình tràn hoàn toàn 4 cạnh, chỉ chừa lại một phần diện tích “tai thỏ” để chứa cảm biến và camera.
Thậm chí, những chiếc Android tầm trung vừa ra mắt gần đây như Vivo V9 hay Huawei Nova 3e cũng chưa thể làm được điều mà Apple đã thành công. Bằng chứng là, chúng vẫn có một phần viền cạnh dưới – tuy không dày nhưng đủ để chúng ta nhận ra sự tồn tại “đáng kể” của nó. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao những chiếc Android không làm được thứ mà Apple đã thành công? Hay chỉ đơn giản là họ “không thích”?
Bên trong phần cạnh dưới…
Trước khi tìm hiểu lí do vì sao viền dưới điện thoại Android vẫn dày, thì nên biết rằng khu vực này sẽ chứa những phần linh kiện quan trọng của máy như cổng Type – C, jack tai nghe 3.5mm hay mic thoại. Ngoài ra, để hình ảnh có thể “chiếu” ra màn hình cho các bạn xem thì bắt buộc máy phải có chip xử lý hình ảnh, dây nối và đặc biệt là bộ phận hắt sáng màn hình,… vốn xưa nay được các nhà sản xuất Android tích hợp ngay ở cạnh dưới.
Vậy vì sao Apple “giấu” được những linh kiện này?
Tính đến nay là gần giữa năm 2018, điện thoại iPhone X dù đã ra mắt hơn nửa năm nhưng cho đến thời điểm hiện tại, iPhone X vẫn là smartphone duy nhất trên thị trường có viền màn hình bên dưới mỏng như 3 cạnh còn lại. Như mô tả ở trên, với hàng loạt những linh kiện phức tạp như vậy thì làm thế nào Apple “giấu” được tất cả những chi tiết này? Mấu chốt chính là việc, Apple đã sử dụng công nghệ màn hình có khả năng “bẻ cong” phần kết nối ngược vào thân máy thay vì giữ chúng ở bên dưới như các hãng Android đang làm.
Điều hiển nhiên, Apple không thể tự dưng làm được điều này mà bắt buộc phải có nguồn linh kiện thích hợp. Được biết, Samsung chính là đối tác cung cấp linh kiện đắt tiền cho Apple, sản xuất theo đơn đặt hàng mà họ đã yêu cầu – Đó là màn hình có khả năng “uốn dẻo”.
Mà công nghệ duy nhất có thể làm được điều này chính là màn hình OLED. Đây là giải pháp tưởng chừng gian nan nhưng thực tế rất đơn giản. Hàng loạt những hãng Android khác, vốn cũng tung ra thị trường những dòng sản phẩm có thiết kế “tai thỏ” tương tự nhưng lại chưa làm được chi tiết này, có thể họ không nghĩ ra hoặc đơn giản vì “không thích” giống Apple 100% (bởi iPhone X đã lên kệ từ hồi đầu năm 2018).
Vấn đề đáng nói nhất chính là ở Samsung, bởi họ là nhà cung ứng linh kiện khổng lồ cho Apple nhưng lại không tận dụng chi tiết này trên những chiếc smartphone cao cấp nhất. Galaxy S8 là flagship đầu tiên của họ sở hữu màn hình “tràn viền”, nhưng ngoại hình này vẫn được tiếp tục duy trì trên Galaxy S9, rất có thể họ muốn trung thành với “chủ nghĩa cân đối”. Một lí do khác có thể là liên quan đến bằng sáng chế mà Apple đã đăng kí độc quyền, rằng những thương hiệu đối thủ không được phép làm theo thiết kế này nếu muốn tiếp tục bán điện thoại tại Mỹ.
Để giải thích rõ ràng và cụ thể hơn, mời bạn chiêm ngưỡng loạt hình ảnh minh họa bên dưới:
Huawei Nova 3e có phần viền dưới dày như những đối thủ tầm trung cùng phân khúc. Khu vực này sẽ bao gồm những phần linh kiện như đã giải thích ở trên.
Samsung vốn yêu thích những sản phẩm cân đối và độ thẩm mĩ cao, điển hình là việc máy có phần viền trên/viền dưới vẫn có độ dày nhất định và sẽ có phần tiết giảm ở các thế hệ về sau.
iPhone X với “bí kíp” bẻ cong màn hình ngược về phần mặt lưng đã giúp Apple giải quyết được vấn đề màn hình tràn viền đầy nan giải trong năm 2017.